Trọn đời hoạt động cách mạng, từ một kỹ sư địa chất cần mẫn đến người đứng đầu Nhà nước, nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy khoa học sắc sảo, tinh thần trách nhiệm cao và một trái tim luôn hướng về lợi ích quốc gia, dân tộc.

Dấu ấn đậm nét trong lãnh đạo một giai đoạn trọng yếu của đất nước

Khi chuyển sang lĩnh vực quản lý Nhà nước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp tục khẳng định vai trò là một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, có khả năng bao quát nhiều lĩnh vực phức tạp.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987-1992) rồi Phó Thủ tướng Chính phủ (1992-1997), ông có nhiều đóng góp vào quá trình đổi mới tư duy quản lý kinh tế, góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế-xã hội, từng bước ổn định và phát triển.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (15/10/1997). Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, ông là người thúc đẩy quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, nhất là trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng; tìm phương thức duy trì việc mua các tổ hợp thiết bị cho Thủy điện Hòa Bình (từ tổ máy số 5 đến số 8); ký lại và triển khai Hiệp định hợp tác Việt – Nga trên lĩnh vực dầu khí…; duy trì hoạt động của Ủy ban hợp tác Liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga. Đồng thời, ông chỉ đạo xây dựng và tham gia xây dựng một số luật quan trọng, như: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Đất đai năm 1993, Luật Dầu khí năm 1993, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1995, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995…; giúp Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định thành lập các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế; chỉ đạo soạn thảo để Chính phủ ban hành các Nghị định về chính sách nhà ở thời kỳ đổi mới, các quyết định, nghị định về quyền tự chủ, tự đầu tư, tự chủ tài chính, hợp tác đầu tư với nước ngoài để phát triển các dự án có trình độ kinh tế-kỹ thuật tiên tiến trên các lĩnh vực quan trọng (dầu khí, năng lượng, vận tải, hàng không, xi măng, dệt may, nông-lâm-ngư nghiệp)… mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên tất cả các ngành kinh tế-kỹ thuật. Các luật, nghị định… góp phần hình thành, hoàn thiện từng bước môi trường pháp lý cho các tổ chức kinh tế khác nhau hoạt động trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhả nước.

Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch nước (1997-2006) – giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp đưa  đất nước phát triển. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội được cụ thể hóa, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng và tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác thông tin tại Trung tâm viễn thông quốc tế khu vực 1 (Hà Nội). Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN

Một nhà lãnh đạo sâu sắc, trí tuệ

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một đảng viên trung kiên, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cộng sản, một nhà lãnh đạo gắn bó với một giai đoạn trọng yếu của đất nước, một chính khách mẫu mực, đáng kính, sâu sắc, trí tuệ.

65 năm kể từ ngày đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản là 65 năm rèn luyện, cống hiến không ngừng nghỉ trên mọi cương vị công tác. Ông sống thầm lặng, làm việc tận tụy, để lại nhiều giá trị bền lâu trong chính sách và trong ký ức của những người từng đồng hành cùng ông. Theo chia sẻ của TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nếu được nói một câu ngắn gọn về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thì đó là: “Ông là một chính khách trầm lặng, nhưng trí tuệ, ảnh hưởng của ông âm thầm lan tỏa và bền bỉ”.

Sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ mãi được trân trọng ghi nhớ trong lịch sử cách mạng Việt Nam.